Tín hiệu vui của công tác giết mổ

​Đồng Nai có ngành chăn nuôi phát triển mạnh do đó hoạt động giết mổ cũng diễn ra rất sôi động. Trong đó, hoạt động giết mổ trái phép (lò mổ lậu) vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Trước tình hình này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sắp xếp các lò mổ theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giết mổ
Thực hiện lộ trình sắp xếp các lò giết mổ theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt xây dựng 36 cơ sở, điểm giết mổ (21 cơ sở tập trung và 15 điểm giết mổ vệ tinh) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp- phát triển nông thôn (NN- PTNT), đến nay các địa phương đã triển khai xây dựng được 31 cơ sở, điểm giết mổ (18 cơ sở tập trung và 13 điểm giết mổ vệ tinh), trong đó, đã có 29 cơ sở đi vào hoạt động.
Tín hiệu vui của công tác giết mổ_Hình 1.jpg
Giết mổ heo tại cơ sở giết mổ tập trung Phương Nguyễn, xã Long An, huyện Long Thành

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- thú y (Sở NN- PTNT), cho rằng việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các lò giết mổ theo quy hoạch đã làm giảm hẳn số lượng các lò mổ lậu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến cuối tháng 5 vừa qua, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện 37 điểm giết mổ lậu còn hoạt động trên địa bàn tỉnh, giảm 31 điểm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các lò mổ lậu vẫn còn hoạt động chủ yếu tập trung tại các địa phương như: huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa.
Thực tế, trong số 3 địa phương còn tồn tại nhiều lò mổ lậu thì Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa là những địa phương theo như quy hoạch trước đó sẽ không xây dựng các cơ sở giết mổ. Từ thực tiễn trong quá trình thực hiện việc sắp xếp giết mổ cũng như nhu cầu thực tế, có 6 địa phương đã đề xuất bổ sung thêm 11 cơ sở giết mổ (3 cơ sở tập trung và 8 điểm giết mổ vệ tinh) nhằm đáp ứng nhu cầu giết mổ.
Theo ông Quang, việc đề xuất bổ sung quy hoạch các điểm giết mổ mới vào quy hoạch chung là nhằm đảm bảo nhu cầu theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương này, trong đó có việc đảm bảo giết mổ nhằm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như  TP. Biên Hòa, hiện mới chỉ có 1 lò giết mổ tập trung đang được xây dựng tại khu phố 7, phường Long Bình. Chính vì vậy, thành phố cũng kiến nghị bổ sung thêm một điểm tại xã Hóa An. “Theo quan điểm của tôi, là nên xem xét thống nhất bổ sung thêm điểm nay”, ông Quang cho hay. Lý giải cho điều này, ông Quang phân tích, hiện tại lò mổ của hợp tác xã Tân Mỹ đang thực hiện việ giết mổ để cung cấp các sản phẩm thịt cho địa bàn các xã như: Hóa An, Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Hạnh. Tuy nhiên, khi thực hiện việc sắp xếp giết mổ, lò mổ của hợp tác xã Tân Mỹ sẽ bị dẹp. Khi đó, các khu vực này nếu muốn thực hiện việc giết mổ phải vận chuyển qua lò mổ tại phường Long Bình. “Việc vận chuyển như vậy là rất xa và khó khăn, do đó cần có một điểm giết mổ để đáp ứng nhu cầu của cả một khu vực rộng lớn này”.    
Cũng theo ông Quang, hiện Sở NN- PTNT đã hoàn chỉnh việc rà soát, cập nhật, bổ sung các đề xuất của các địa phương để trình UBND tỉnh xem xét nhằm hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giết mổ. Từ đó, tạo điều kiện để thực hiện việc sắp xếp giết mổ, dẹp bỏ các lò mổ lậu.
Mạnh tay với các “sạp thịt vỉa hè”
Thời gian qua, dù số lượng các cơ sở giết mổ lậu trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, tuy nhiên số lượng các sạp thịt vỉa hè lại tăng nhanh.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do việc giá heo xuống thấp trong một thời gian dài khiến nhiều hộ chăn nuôi phải “tự cứu” bằng cách tổ chức giết mổ đưa ra thị trường bán theo kiểu sạp thịt vỉa hè.
Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, cho biết: “Thời gian qua, lợi dụng hoạt động “giải cứu” heo, nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ đã tiến hành giết mổ tự phát khiến cho việc quản lý giết mổ lậu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phường Long Bình và Trảng Dài là những điểm nóng nhất”.
Tương tự, tại huyện Thống Nhất, địa phương có đàn heo lớn nhất tỉnh, việc quản lý hoạt động giết mổ thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn vì trong chiến dịch giải cứu heo, việc giết mổ tự phát rồi đem bán dọc vỉa hè các tuyến đường xuất hiện ngày càng nhiều.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt việc quản lý, sắp xếp các cơ sở giết mổ, hầu hết các địa phương đều đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm “dẹp” các điểm bán thịt vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. “TP.Biên Hòa sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra hoạt động giết mổ, sớm giải quyết dứt điểm những lò giết mổ lậu trên địa bàn”, ông Phước cho hay.
Tín hiệu vui của công tác giết mổ_Hình 2.JPG
Một sạp thịt vỉa hè tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa

Trong khi đó, ông Trần Văn Quang cho rằng, thời gian qua việc giá heo xuống thấp khiến tình trạng giết mổ trái phép, các sạp thịt vỉa hè nhằm “tự giải cứu” cảu người dân xuất hiện nhiều. Điều này, khiến nguy cơ gia tăng các hoạt động giết mổ lậu, nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao. Chính vì vậy, thời gian tới Chi cục Chăn nuôi- thú y sẽ phối hợp với các địa phương để chấn chỉnh các hoạt động này. “việc giải quyết các sạp thịt vỉa hè là trách nhiệm của các địa phương, tuy nhiên Chi cục cũng sẽ phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ. Hiện giá heo đã tăng trở lại nên áp lực tự giải cứu của người dân cũng sẽ giảm, đối với các điểm bán vẫn cố tình duy trì chúng tôi sẽ có những giải pháp mạnh để chấn chỉnh”, ông Quang nói.
LÊ ĐỨC
 


 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​