Gà Việt đi Nhật

​Sau nhiều năm thực hiện các yêu cầu khắt khe, ngày 22-6 vừa qua, Công ty TNHH Koyu & Unitek ( Công ty Koyu & Unitek, Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) đã chính thức được cấp phép xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Công ty Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản.
Hàng rào tiêu chuẩn khắt khe
Ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Koyu & Unitek, cho hay để có thể xuất khẩu đơn hàng đầu tiên vào thị trường Nhật Bản, công ty phải chuẩn bị cùng với các đối tác trong gần ba năm qua. “Nhật Bản họ không theo một tiêu chuẩn chung nào mà họ chỉ có một tiêu chuẩn riêng của thị trường nước họ nên các yêu cầu đặt ra là rất khắt khe”, ông Hiếu chia sẻ.
Toàn bộ quy trình chăm sóc từ gà giống, thức ăn chăn nuôi đến quy trình kiểm soát dịch bệnh đều phải tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu mà phía Nhật Bản đưa ra. Trong đó, quan trọng nhất theo ông Hiếu, đối với gà thịt thương phẩm, người nuôi tuyệt đối không được sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh cúm. “Theo phía Nhật Bản nếu mình sử dụng vắc xin phòng cúm là vùng nuôi của mình không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, gà nuôi không được sử dụng vắc xin phòng cúm và phải nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh được nhà nước Việt Nam công bố”. Ngoài ra, gà thịt trước khi đem về nhà máy giết mổ cúng phải bảo đảm yêu cầu không được sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào trong 10 ngày trước đó.
Để có thể đáp ứng được các yêu cầu trên, Công ty Koyu & Unitek đã phải xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, quy trình nuôi, thức ăn, quy trình giết mổ, chế biến chuỗi hoàn chỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, do Nhật Bản mới chỉ cấp phép nhập khẩu cho các sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường nước này nên Công ty Koyu&Unitek cũng đã phải đầu tư 6,5 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến. “Toàn bộ dây chuyền máy móc công nghệ đều được nhập từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày. Sản phẩm đầu ra của nhà máy gồm 7 loại thịt gà đã chế biến như: gà rán, burger gà, gà viên... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, ông Hiếu cho biết.
Xây dựng chuỗi liên kết khép kín
Do các yêu cầu mà phía Nhật Bản đặt ra với gà thương phẩm là rất cao nên tại Đồng Nai, hiện mới chỉ có 2 trang trại với tổng đàn gà khoảng 500.000 con đáp ứng các yêu cầu để tham gia vào chuỗi liên kết với Koyu & Unitek.
Gà Việt đi Nhật_Hình 1.JPG
Dây chuyền chế biến thịt gà tại nhà máy của Công ty Koyu & Unitek
Theo ông Hiếu, tham gia vào chuỗi liên kết này, các chủ trại chỉ cần thực hiện khâu chăn nuôi theo đúng yêu cầu với sự tham gia hướng dẫn của các kỹ sư từ công ty. Ngoài ra, các yếu tố đầu vào như: con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi cũng như đầu ra sản phẩm đều được công ty cung cấp. “Hiện gà giống bố mẹ chúng tôi nhập từ Pháp về nuôi tại trại của công ty để sinh sản. Gà con sẽ được giao cho các trang trại, cùng với đó thức ăn cũng sẽ được 2 doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp cho các hộ nuôi. Sau 35 ngày nuôi, gà thương phẩm đạt khoảng 2,2 kg/con, công ty sẽ nhập về để chế biến”, ông Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại gà miền Đồng, huyện Tân Phú, một trong 2 trại gà tham gia vào chuỗi liên kết của Công ty Koyu & Unitek cho biết, do sản phẩm được sản xuất để xuất sang thị trường Nhật Bản nên toàn bộ quy trình nuôi cũng phải tuân theo các yêu cầu chất lượng từ nước này. Theo đó, người nông dân khi tham gia vào chuỗi chủ yếu chỉ tập trung vào khâu chăn nuôi, trong khi đó, từ con giống, cám đều được các công ty trong chuỗi cung cấp. “Hiện gà giống do Công ty Koyu & Unitek cung cấp, cám nuôi cũng được một công ty của Nhật Bản nằm trong chuỗi cung cấp”, ông Kha cho biết.
Theo ông Kha, dù quy trình nuôi là vô cùng nghiêm ngặt và chặt chẽ, tuy nhiên, người nông dân khi tham gia vào chuỗi cũng có rất nhiều lợi ích. “Do mình chỉ tập trung vào khâu chăn nuôi nên có điều kiện thuận lợi trong việc quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất”.
Ngoài ra, khi tham gia vào chuỗi, người chăn nuôi được công ty ký hợp đồng cả từ khâu đầu vào lẫn đầu ra nên tránh được tác động của thị trường. “Tôi giờ không quan tâm đến giá cả. Bởi con giống, cám đã có các công ty cung cấp. Đầu ra bao nhiều con, trọng lượng như thế nào, ngày nào giao cũng đã có hợp đồng theo hằng năm nên nông dân chúng tôi rất yên tâm để sản xuất”, ông Kha nhấn mạnh.
Lê Đức

 
 
 
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​