Cây trồng biến đổi gen là biện pháp tối ưu?

Đó là câu hỏi mà hiện nay giới khoa học trong và ngoài ngành nông nghiệp, ngành sinh học ứng dụng, y học và truyền thông đang tranh luận khá sôi nổi…
Ngô DK 9955S và DK 9955R có hơn đối chứng DK 9955C?
Khi trồng so sánh 2 giống ngô biến đổi gen (BĐG) DK 9955S và DK 9955R ở điều kiện thí nghiệm hẹp, trên vùng đất phì nhiêu, trong vụ ĐX được chăm sóc cẩn thận thì năng suất hạt cũng mới chỉ đạt được mức 8 tấn hạt/ha.Và năng suất này cũng chỉ tương đương với giống đối chứng DK 9955C.
Trong khi đó ngô lai trồng ở Việt Nam trong khoảng 20 năm qua cũng cho thấy trường hợp năng suất đạt 10 - 12 tấn hạt khô không phải là hiếm. Cũng nhờ vậy mới có khả năng mở rộng diện tích từ 566.000 ha vào năm 1995 lên gần 1.200.000 ha hiện nay và góp phần đưa năng suất ngô từ 2,1 tấn/ha vào năm ấy đến mức 4,2 tấn/ha hiện nay.
Song song với thời gian ấy, ngành chăn nuôi cũng được phát triển ngày càng nhanh chưa từng có. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu thức ăn dùng cho chăn nuôi cũng ngày càng tăng mạnh. Việc nhập nguyên liệu cho chăn nuôi từ nguồn giá rẻ hơn là tất yếu.
Tại sao giá thành ngô, lúa hay nhiều cây trồng khác của ta đắt hơn các nước công nghiệp khác. Điều cốt lõi là nông dân ta đang phải sử dụng phương pháp SX thủ công, trong lúc các nước như Mỹ, Canada, Hungari, Brazil… đều sử dụng các máy móc hiện đại, thu hái 1 ha ngô chỉ diễn ra trong nháy mắt.
Vậy nên, muốn năng suất ngô hay các cây trồng khác của Việt Nam cao hơn, giá rẻ hơn, không có con đường nào khác là phải dùng cơ giới hóa đồng bộ, chủ động tưới tiêu và áp dụng gói biện pháp kỹ thuật cũng đồng bộ.
Điều kiện để cơ giới hóa thì ai cũng biết mà ta chưa làm được nên đành phải chấp nhận năng suất ngô thấp hơn, giá thành cao hơn (nhưng cũng chỉ thấp hơn Mỹ, Trung Quốc, Hungari, chứ không phải thấp hơn so với Brazil, Mexico hay Ấn độ là các nước có diện tích ngô khá nhiều).
1/Đánh giá hiệu quả trừ sâu, trừ cỏ của giống BĐG DK9955S
1.1. Về mức độ trừ sâu đục thân, giống đối chứng bị gãy cờ 3,0%, bị đục trên bắp 4,5%, còn giống BĐG DK 9955S không bị gãy cờ nhưng vẫn bị sâu đục bắp ở điểm Đồng Nai là 4,5% nên trung bình 2 điểm cũng chiếm 2,3% (xem bảng 3 dưới đây). Về các loại bệnh thì cả 2 giống đều có mức độ bị bệnh như nhau.
Bảng 3: Mức độ bị bệnh và sâu đục thân ở ngô BĐG so với đối chứng (khảo nghiệm rộng). Đối chứng BĐG: DK 9955S
Cây trồng biến đổi gen là biện pháp tối ưu_Hình 1.jpg
1.2. Mức độ bị cỏ che phủ: Trong khảo nghiệm diện rộng cho thấy ruộng trồng giống ngô BĐG sạch cỏ hơn, nhưng ở giống đối chứng tỷ lệ cỏ che phủ cũng ít, không đáng kể. Tác giả có tính toán lợi nhuận do sử dụng giống BĐG chứa cả gen kháng sâu đục thân và kháng thuốc trừ cỏ Glyphosate có làm tăng thu nhập bình quân 4 điểm là 15,4% so với giống đối chứng. Lợi nhuận này một phần cho thấy giá giống ngô BĐG chưa đến 200 USD/ha, mặt khác do ruộng đối chứng có công làm cỏ nhiều hơn, chứ không phải do làm tăng năng suất ngô quyết định. Khi đã độc quyền phân phối giống thì liệu giá ngô có tăng lên không?
2/Trên giống ngô BĐG DK 9955R mang gen kháng thuốc trừ cỏ Glyphosate
Bảng 4: Hiệu quả xử lý cỏ dại trong ruộng ngô BĐG so với đối chứng
Cây trồng biến đổi gen là biện pháp tối ưu_Hình 2.jpg
Số liệu trong bảng 4 cho thấy sau khi phun thuốc, tuy ở ruộng trồng ngô BĐG có ít cỏ hơn (mức độ bị cỏ che phủ ít hơn). Nhưng cách tính này có tính chất mơ hồ, vì khi cây ngô cao lên thì việc che phủ cỏ ở tầng dưới không phải là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất.
Vả lại ngô mang gen kháng thuốc cỏ là chỉ có tác dụng khi phun cỏ vào ruộng thì cây ngô không hay ít bị hại, chứ đâu có phải tỷ lệ cỏ bị chết nhiều hơn, hay là cây ngô BĐG không cho cỏ mọc lên?
Tác giả cần tính trọng lượng cỏ giữa 2 ruộng mới đúng. Vả lại việc chọn ruộng làm đối chứng và thí nghiệm như trường hợp này là không đồng đều: 1 ruộng chưa phun thuốc đã có mức độ che phủ của cỏ gấp 2 ruộng khác như ở Đông Nam bộ và Đăk Lăk là không hợp lý.
Đối chiếu với giống ngô BĐG DK 9955S mang 2 gen kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ với giống BĐG DK 9955R chỉ mang gen kháng thuốc cỏ Glyphostae thì thấy tác động của việc ngô kháng thuốc cỏ áp dụng trong cả 2 giống tại 4 địa điểm thí nghiêm là có hiệu quả nông học và giá trị kinh tế thấp.
Điều này biểu hiện ở thí nghiệm giống ngô BĐG DK 9955R chỉ cho năng suất cao hơn đối chứng có 3,6% và lợi nhuận cao hơn đối chứng cũng chỉ có 5,8% (dù là khảo nghiệm diện rộng). Các chỉ tiêu này không đủ điều kiện để công nhận là một giống mới.
Như vậy nếu dựa vào các thí nghiệm trên 2 giống BĐG đã nêu thì ở Việt Nam trồng ngô BĐG không phải là biện pháp tối ưu, trong lúc còn khá nhiều vấn đề như tác động đến môi trường, tác động đến sinh vật và con người chưa được làm rõ...
Còn ý nghĩa về chống chịu được điều kiện biến đổi khí hậu hay tăng được đa dạng sinh học có lẽ chỉ là ngộ nhận. Vì các giống BĐG này có chứa các gen như vậy đâu, vả lại cũng không có số liệu thí nghiệm để minh chứng. Ngược lại chính việc sử dụng thuốc diệt cỏ Ground-up đang diễn ra một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.
GS. MAI VĂN QUYỀN
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​