Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

​Trong khoảng 30 phút là máy gặt đập liên hợp đã thu hoạch xong 1 sào lúa (1.000 m2). Sau 2 ngày khi rơm khô là đến công đoạn của máy cuộn rơm. Với hơn 20 phút là máy cuộn rơm đã dọn dẹp xong 1 sào ruộng và cho ra thành phẩm từ 11-14 cuộn rơm/sào. Đây là 2 máy nông nghiệp đang được nông dân trồng lúa của huyện Vĩnh Cửu rất hài lòng.
Đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng
Huyện Vĩnh Cửu hiện có gần 4.300 hécta trồng cây hàng năm. Trong đó có hơn 2.700 hécta trồng lúa tập trung tại các xã: Bình Hòa, Bình Lợi, Tân An, Tân Bình và Thạnh Phú. Thực hiện chương trình cơ giới hóa cho cây lúa, 7 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã hỗ trợ cho huyện Vĩnh Cửu 2 lò sấy lúa, 2 máy gặt đập liên hợp và 2 máy cuộn rơm với mức hỗ trợ khoảng 25 triệu đồng/máy.
Do thiếu hụt lao động, nhiều hộ trồng lúa trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hiện nay, 100% diện tích đất trồng lúa đã được sử dụng các loại máy móc trong khâu làm đất và thu hoạch. Các loại máy đang được sử dụng rộng rãi là máy cày, máy xới đất, máy sạ hàng, máy gặt lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp loại nhỏ, máy phun thuốc, máy cuộn rơm…
Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp_Hình 1.JPG
Máy gặt đập liên hợp giúp thu hoạch lúa nhanh, tiết kiệm
Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp_Hình 2.JPG

1 cuộn rơm được nhả ra từ máy cuộn rơm
Anh Đào Văn Hoa – người có thâm niên trồng lúa hơn 20 năm ngụ tại ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa cho biết; anh đã thực hiện cơ giới hóa trên diện tích 6 sào lúa (6.000m2) của mình. Theo anh Hoa, thực hiện cơ giới hóa sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, hiệu quả cao hơn. Cụ thể, khi sử dụng máy gieo sạ hàng sẽ giúp giảm lượng lúa giống khoảng 30 kg/hecta. Lúa sạ theo hàng dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Còn thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp sẽ giảm thất thoát lúa, bỏ qua được công đoạn cắt và gom lúa thành đống…  
 
Hiệu quả rõ rệt
Trồng 6 sào lúa trên cánh đồng lúa 200 ha của xã Bình Hòa, anh Cổ Thanh Dũng - ấp Bình Thạch so sánh: “Có cơ giới hóa làm lúa bây giờ sướng hơn mà lại đỡ tốn công. Trước đây, khi thu hoạch lúa, tôi phải thuê lao động cắt, máy phóng, vác…mất hơn 1 triệu đồng/sào. Bây giờ thì tôi thuê máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch chỉ mất khoảng 300 ngàn đồng/sào. Ngoài ra, tôi còn bán được rơm 100 ngàn/sào khi có máy cuộn rơm. Như vậy, tôi chỉ mất khoảng 200 ngàn/sào để thu hoạch lúa”. Anh Dũng cho biết, nguồn rơm ngoài đồng trước đây bà con thường đốt ngay tại đồng. Máy cuộn rơm giúp nâng cao giá trị của rơm, xử lý hết lượng rơm vung vãi sau khi thu hoạch và giải phóng nhanh đồng ruộng để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.  
Từ những hỗ trợ ban đầu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy nhân rộng mô hình, đẩy mạnh cơ giới hóa trên toàn huyện. Ông Trần Viết Huy – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Cửu cho biết, đến nay, toàn huyện đã có 10 lò sấy lúa, 16 máy gặt đập liên hợp và 11 máy cuộn rơm đang hoạt động rất hiệu quả. Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ là lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động nông thôn hiện nay và giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
 
Phương Trang  
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​