Tìm hướng phát triển bền vững cho sản xuất hồ tiêu ở Đồng Nai

Theo số liệu thống kê, diện tích canh tác cây tiêu tại Đồng Nai năm 2015 đã đạt trên 10.092 ha, Năng suất bình quân đạt 2,49 tấn/ha, sản lượng  khoảng 20.850 tấn/năm. Tiêu được trồng tập trung ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Thống Nhất và Trảng Bom.. Mặc dù là loại cây trồng có nhiều ưu thế được nông dân trong tỉnh lựa chọn, tuy nhiên, canh tác hồ tiêu hiện nay chưa phát huy hết thế mạnh và còn gặp nhiều vấn đề cần được giải quyết như: đa số nông dân chưa có thói quen áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, còn lạm dụng, trông chờ vào phân bón vô cơ và thuốc hóa học để mong có được năng suất cao.
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống
 Nhiều vườn tạp trồng xen nhiều loại cây trồng nên sản xuất không đúng quy trình dẫn đến khó phòng trừ dịch hại, tăng chi phí sản xuất. Tình trạng biến đổi khí hậu, thiếu nước canh tác cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Do giá thành hạt tiêu ngày càng cao và ổn định nên diện tích canh tác cây tiêu phát triển ồ ạt, không theo định hướng quy hoạch sản xuất của địa phương. Nguồn nấm bệnh được tích lũy nhiều năm do độc canh nên ngày càng có nhiều loại dịch hại nghiêm trọng hơn, đặc biệt là các loại bệnh do nấm và virus gây ra làm giảm năng suất và chất lượng, mà hiện tại trên thị trường chưa có loại thuốc hóa học nào phòng trị,… dẫn tới nhiều vườn tiêu bị dịch hại nghiêm trọng, không cho thu hoạch hoặc năng suất thấp là mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta.

Tìm hướng phát triển bền vững cho sản xuất hồ tiêu ở Đồng Nai_ hình 1.JPG
Nông dân tham quan mô hình tiêu ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm đạt hiệu quả cao tại Xuân Lộc
Nhằm góp phần giúp cây tiêu phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, tiết giảm chi phí đầu tư, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó phải kể đến công tác hỗ trợ đầu tư phát triển kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới kết hợp bón phân qua đường ống trên cây tiêu được áp dụng bắt đầu từ năm 2001. Đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai và nhân rộng được 4.369 ha tiêu có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (chiếm 43% tổng diện tích trồng tiêu cả tỉnh) Chi phí đầu tư lắp đặt cho 1 ha tiêu khoảng 50 triệu đồng. Kỹ thuật này giúp nông dân trồng tiệu giảm được chi phí lớn về công tưới, tiết kiệm được nước, điện và phân bón. Phân, thuốc được hòa tan trong nước bón theo đường ống vận hành kết hợp theo chu trình tưới. Đồng thời nông dân không phải đánh bồn để giữ nước, cây tiêu không bị đứt rễ khi đánh bồn và không bị úng nước vào mùa mưa. Lượng phân, thuốc cũng không bị hao hụt so với cách chăm bón cũ.
Áp dụng kỹ thuật tưới, chăm sóc theo cách thức mới, nhiều vườn tiêu đã đạt năng suất cao ổn định, quá trình sản xuất. Đáng chú ý là mô hình thâm canh cây tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học có áp dụng tưới nước theo phương pháp tưới nước tiết kiệm tại hộ ông  Đặng Tiến Dũng, ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ. Chủ hộ đã áp dụng tốt quy trình kỹ thuật thâm canh cây tiêu do Trung tâm KN chuyển giao theo hướng hữu cơ sinh học bền vững từ khâu bổ sung hệ thống thoát nước trong vườn tiêu, kỹ thuật ủ phân hữu cơ hoai mục với nấm chichoderma, lịch phòng trừ sâu bệnh … Đồng thời tiến hành theo dõi, ghi chép, lịch canh tác, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển, diễn biến sâu bệnh của vưởn tiêu. Kết quả theo dõi mô hình cho thấy, vườn tiêu sinh trưởng phát triển khát tốt, kiểm soát được tình hình sâu bệnh như bệnh chết nhanh chết chậm và một số các bệnh thường gặp trên cây tiêu. Năng suất vườn tiêu 2 tấn/ha, với giá bán 200.000 đồng/kg, chủ hộ thu về 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí trên 122 triệu đồng, chủ hộ còn lãi gần 278 triệu đồng. Một minh chứng khác cho hiệu quả của việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống là mô hình thâm canh tiêu của anh Võ Thanh Bình ở ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Mô hình TNTK kết hợp bón phân qua đường ống với diện tích 0,5 ha. Kết quả một năm sau khi thực hiện, năng suất tiêu của hộ anh Bình tăng lên 500 kg/0,5 ha. Trước khi ứng dụng hệ thống TNTK kết hợp bón phân qua đường ống năng suất tiêu của vườn nhà anh đạt 1,8 - 2 tấn/ha, nhưng từ khi có hệ thống TNTK kết hợp với bón phân qua đường ống, năng suất tiêu đã tăng lên 4,0 – 4,5 tấn/ha, cao gấp 3,2 lần so với năng suất bình quân của huyện. anh Bình đã tự đầu tư thiết kế thêm hệ thống tưới cho 0,7 ha tiêu của vườn nhà mình, nâng diện tích TNTK lên 1,2 ha. Mô hình tưới tiết kiệm và bón phân qua ống đã được các hộ trồng tiêu trong tỉnh và nhiều nơi khác áp dụng.
Bên cạnh đó, công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được đẩy mạnh nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân, thay đổi thói quen sản xuất tiêu truyền thống, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững. Từ năm 2010-2015, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã tổ chức 252 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu,  bình quân 42 lớp/năm với các nội dung phòng trừ sâu bệnh hại trên cây tiêu, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống trên cây tiêu, thâm canh cây tiêu… Hầu hết các nội dung tập huấn đều xuất phát từ nhu cầu của người dân, tình hình thực tế của địa phương và các kỹ thuật liên quan đến công tác xây dựng mô hình.
Thực hiện chuỗi liên kết xây dựng cánh đồng lớn trên cây tiêu
Trong định hướng phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai chương trình tái canh, trồng thay thế diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh bằng giống mới năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, đầu tư phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến hồ tiêu với các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng hạt tiêu.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia chuỗi liên kết xây dựng cánh đồng lớn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao theo Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành xây dựng 9 dự án xây dựng cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hồ tiêu theo Quyết định 58/2014/QĐ-UBND, bao gồm: huyện Xuân Lộc (1 Dự án), huyện Cẩm Mỹ (02 dự án), huyện Tân Phú (02 dự án), huyện Định Quán (02 dự án), huyện Tràng Bom (01 dự án), thị xã Long Khánh (01 dự án). Trong đó, có 3 dự án cánh đồng lớn cây tiêu tại Xuân Lộc (1 dự án) và Cẩm Mỹ (2 dự án) đang trong giai đoạn hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt. Khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các phương thức nông dân liên kết sản xuất hồ tiêu như tổ hợp tác, hợp tác xã, “vườn tiêu mẫu lớn”. Phát triển mạng lưới đại lý thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; tập trung phát triển các đầu mối xuất khẩu lớn, hạn chế dần các đầu mối xuất khẩu nhỏ lẻ, từng bước hình thành nên các doanh nghiệp mạnh trong chế biến, xuất khẩu hồ tiêu.
Vương Lan (TTKN)
 
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​