Huyện Nhơn Trạch: Phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

​Với gần 2000 ha diện tích mặt nước, trong đó có gần 1.900 ha diện tích nước lợ, nuôi trồng thủy sản được xem là một thế mạnh của huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do dịch bệnh, kỹ thuật nuôi lạc hậu nên năng suất, sản lượng và chất lượng các mặt hàng thủy sản, trong đó có con tôm trên địa bàn huyện còn thấp. Chính vì vậy, mới đây Nhơn Trạch đã phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đây được xem là bước đi nhằm giúp khai thác hết tiềm năng, thế mạnh đồng thời tạo ra sản phẩm tôm sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cuối năm 2015, sau khi đi tham qua một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh cà Mau, ông Nguyễn Trường Đại, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch đã chuyển từ mô hình nuôi tôm thẻ truyền thống bằng ao đất sang nuôi công nghệ cao.
Bắt tay thực hiện, ông Đại quyết định phân chia lại diện tích ao nuôi tôm của gia đình. Trước đây, khi nuôi theo mô hình truyền thống bằng ao đất toàn bộ diện tích 4ha mặt nước của gia đình đều được sử dụng làm ao nuôi. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Đại quyết định chỉ sử dụng một nửa diện tích làm ao nuôi, nửa diện tích còn lại ông sử dụng làm ao ương. Đồng thời, với 2 ao nuôi, ông Đại cũng sử dụng bạt nilon lót đáy và lưới lan che phía trên không gian ao nuôi. “Nuôi tôm quan trọng nhất là nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng cho tôm phát triển là từ khoảng 28°c đến 32°c. Việc sử dụng lưới che đã làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ hồ nuôi luôn được đảm bảo ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm”, ông Đại chia sẻ về lợi ích của công nghệ nuôi tôm mới.
Đến nay, sau gần 1 năm áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, gia đình ông Đại đã gặt hái được những thành quả đầu tiên. Theo chia sẻ của ông Đại, trước đây, với 4ha diện tích ao nuôi mỗi vụ ông chỉ thu được khoảng 8 tấn tôm. Tuy nhiên, hiện nay với diện tích ao nuôi chỉ bằng một nửa nhưng năng suất mỗi vụ lại đạt hơn 15 tấn. Với mô hình nuôi mới, gia đình ông Đại hiện có khoản lãi khoảng 1 tỷ đồng một vụ tôm.
“Do diện tích ao nuôi mình phân chia nhỏ lại nên mình quản lý tốt hơn, mật độ nuôi được tăng cao từ 50 con/m2 lên 200 con/m2 nên năng suất tăng lên. Ngoài ra, do có diện tích ao ương nên mình có thể nuôi tôm giống đến khoảng 1 tháng tuổi mới cho vào ao nuôi thay vì nuôi trược tiếp vào ao nuôi như trước. Nhờ đó, số vụ nuôi cũng được nâng lên 4 vụ/năm thay vì 2 vụ/năm”, ông Đại cho biết.
 0118102016_Chinh.JPG
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới kết hợp bạt lót đáy đem lại hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Trường Đại, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh.
Mặt khác, với công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh. Không những hạn chế được dịch bệnh, người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh. “Trước đây đối với người nuôi tôm, nhưng dịch bệnh như bệnh phân trắng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tinh là nỗi ám ảnh với người nuôi. Để phòng trừ người nuôi chỉ biết dùng kháng sinh để phòng chống vừa tốn kém mà lại sản phẩm tôm lại không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ”, anh Nguyễn Văn Hùng, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch một trong những người áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao chia sẻ.
Theo Phòng kinh tế huyện Nhơn Trạch, hiện trên địa bàn huyện đã có 7 mô hình với diện tích khoảng 14 ha áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Bước đầu đánh giá cho thấy đây là mô hình đang mang lại hiệu quả cao. Theo đó, không những tăng được năng suất con tôm, hạn chế được các dịch bệnh mà quan trọng nhất là với mô hình này người nuôi cho ra được sản phẩm tôm sạch có khả năng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.
Chính vì vậy, ngày 11-10 vừa qua, huyện Nhơn Trạch đã phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức hội thảo nuôi tôm công ứng dụng công nghệ cao theo hình thức liên kết giữa công ty và người nông dân.
Theo ông Banchong Buahung, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, khu vực huyện Nhơn Trạch có điều kiện môi trường, chất lượng nguồn nước rất phù hợp với con tôm. Tuy nhiên nhiều năm qua, do nuôi theo phương pháp truyền thống nên năng suất không cao. Đặc biệt, người nuôi tôm rất dễ gặp rủi ro. “với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, chúng tôi khuyến khích người nuôi chia nhỏ diện tích ao nuôi để dễ quản lý, mặt khác thay vì sử dụng phần lớn diện tích làm ao nuôi, chúng tôi hướng dẫn người nuôi sử dụng phần lớn diện tích là ao ươm, ao lắng để đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm. Việc thu hẹp diện tích ao nuôi sẽ được bù đắp bằng năng suất và số vụ nuôi một năm. Chính vì vậy, với mô hình này, người nuôi sẽ tăng được lợi nhuận và quan trong hơn là họ không còn phải lo lắng về dịch bệnh trên tôm nuôi”, ông Banchong Buahung phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Phương, giám đốc kinh doanh khu vực miền Trung II (phụ trách các tỉnh khu vực miển Nam), Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, người nông dân tham gia vào liên kết với công ty sẽ được hỗ trợ chuyển giao mô hình nuôi tôm công nghệ cao, có cán bộ kỹ thuật của công ty theo sát để hỗ trợ, đồng thời được giảm giá tôm giống. đặc biệt, về đầu ra cho sản phẩm, theo ông Phương công ty sẽ ưu tiên mua sản phẩm với giá có lợi cho người nuôi.
Trước triển vọng của mô hình nuôi tôm công nghệ cao, huyện Nhơn Trạch cũng đang xem xét đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để phục vụ người dân tham gia vào chuỗi liên kết. “hiện huyện đang phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam nhân rộng mô hình tại các xã có thế mạnh như: Vĩnh Thanh, Long Thọ, Phước An... chính vì vậy huyện đang nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, các kênh cung cấp nước. ngoài ra, huyện cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng nhằm có chính sách hỗ trợ vay vốn với các hộ tham gia”, ông Nguyễn Văn Nhân, Phó phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết.
Box: Chi phí đầu tư phù hợp với người nuôi
Theo ông ông Nguyễn Trường Đại, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, chi phí đầu tư cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao khá phù hợp với người nuôi. Nếu người nuôi cải tạo lại hệ thống ao nuôi cũ thì chi phí đầu tư chỉ khoảng 100 triệu/ha, nếu đầu tư mới chi phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với các thiết bị như bạt lót, lưới che ao... mình có thể sử dụng trong nhiều năm nên chí phí những vụ sau sẽ giảm xuống nhiều.
Lê Đức

 
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​