Trồng cây xen dưới tán rừng - Hiệu quả cao nhưng cần thận trọng

​Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, nhiều người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà đã tiến hành trồng xen nhiều các loại cây ăn trái, cây công nghiệp dưới tán cây rừng. Mô hình Nông – Lâm kết hợp này bước đầu đã cho kết quả tốt, nhưng để phát triển bền vững và đảm bảo cây rừng sẽ không chịu tác động xấu từ việc nhân rộng mô hình này, cần phải có những giải pháp, kế hoạch phát triển thật phù hợp và hiệu quả.
 
Hiệu quả cao.
Năm 1995, anh Sần Sùi Khìn nhận khoán chăm sóc hơn 30 ha rừng của công ty Lâm nghiệp La Ngà. Sau khi vô tình phát hiện ra rằng : những dây tiêu khi quấn vào các loại cây như sao, dầu…sinh trưởng và phát triển rất nhanh, anh Khìn đã quyết định trồng thử vài chục gốc tiêu mà nọc tiêu chính là những thân cây rừng trên. Và thành công đã đến hơn cả mong đợi. Đến nay, anh đã nhân rộng mô hình trồng tiêu dưới tán cây rừng của mình lên 3 ha. Với năng suất bình quân 4 tấn/ha, mỗi năm anh Khìn thu về hơn 1,5 tỷ đồng từ vườn tiêu này. Anh Sần Sùi Khìn, nông dân ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán cho hay : “ Với 3 ha này mỗi năm tôi thu được khoảng 12 tấn tiêu, nếu mà với giá trên 200 ngàn/1kg như hiện nay, mỗi năm tôi thu về hơn 2 tỷ, mà tiêu trồng trong rừng nó sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, lại thêm không cần bỏ nhiều phân nên chi phí đầu tư thấp lắm, chỉ 400 triệu một năm thôi”.
Theo Công ty MTV Lâm Nghiệp La Ngà, đến nay công ty đã thực hiện giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho trên 2.600 hộ dân, với diện tích rừng khoảng hơn 3 ngàn ha, chủ yếu tập trung tại xã Thanh Sơn. Những năm gần đây, sau khi một vài mô hình đầu tiên thành công, hầu hết các hộ dân nhận khoán đều quyết định trồng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp xen dưới tán rừng để cải thiện kinh tế. Hiện, các mô hình Nông – lâm kết hợp như trồng xen tiêu, cà phê, điều, quýt, xoài…dưới tán cây rừng đang giúp người dân thu lãi từ 110 đến 250 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ còn thu gần cả 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, GĐ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà – Đồng Nai đánh giá : “ Mô hình Nông lâm kết hợp này trong những năm qua đã phát huy giá trị kinh tế cao, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, nhiều nhà vươn lên khá giả, điều này cũng góp phần làm cho tình trạng chặt phá rừng tại địa bàn cũng giảm đi…”
Nhưng cũng không ít nguy cơ
Dù đang hiệu quả là vậy, nhưng theo đánh giá của địa phương, mô hình này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây tác động xấu đến diện tích cây rừng. Ông Trần Nam Biên, PCT UBND huyện Định Quán cho biết :” Nổi trội nhất hiện nay là tình trạng một số người dân nhận khoán đã cố tình tỉa cành, phá tán cây rừng để nhường chỗ cho cây xen canh phát triển, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển tự nhiên của cây rừng. Ngoài ra, những trường hợp người dân tự ý lấn chiếm phần đất rừng để trồng cây xen canh cũng là mối nguy cơ không thể không nhắc đến”. Trước tình hình này, trong chuyến khảo sát thực tế mới đây, PCT UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng : mô hình Nông – Lâm kết hợp này có hiệu quả và sẽ tạo điều kiện để người dân xã Thanh Sơn vươn lên cải thiện kinh tế. Tuy nhiên, để mô hình được phát triển bền vững, cần chấm dứt tình trạng đầu tư mô hình theo kiểu tự phát hiện nay.Thay vào đó, công ty Lâm nghiệp La Ngà cần đưa ra những quy định trong hợp đồng cụ thể để người dân kí cam kết về nghĩa vụ của họ trong việc thực hiện các mô hình xen canh, cũng như trách nhiệm trong việc thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng đã nhận khoán. Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh : “Cần đưa ra những quy định thật cụ thể trong hợp đồng, cụ thể như việc nếu anh trồng xen canh, mà anh vi phạm, gây ảnh hưởng đến diện tích rừng như chặt cành, chặt cây trái quy định thì bị phạt như thế nào, lần một bị gì, lần hai bị gì, lần 3 thì sẽ bị tịch thu toàn bộ diện tích trồng cây xen canh chẳng hạn, có quy định này, tôi nghĩ người dân sẽ làm tốt mô hình này và sẽ không vi phạm quy định về bảo vệ cánh rừng đã nhận khoán”.
Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng lớn với gần 200 ngàn ha, trong đó diện tích người dân nhận giao khoán từ các chủ rừng là rất lớn.Mô hình nông lâm kết hợp này đang được ngành Lâm nghiệp tỉnh kỳ vọng sẽ cải thiện được đời sống kinh tế của người dân, qua đó giảm áp lực về tình trạng phá rừng. Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để mô hình đáp ứng được kỳ vọng đó, các chủ rừng cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để chủ động quản lý tình hình. Việc hình thành nên các hợp đồng cam kết giữa chủ rừng và người dân, có thể xem là một bước đi đầu tiên và thật sự cần thiết để đưa mô hình này ngày càng phát triển một cách hợp lý, bền vững nhất.
Lê Đức
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​