Hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm trong chương trình phát triển cây trồng chủ lực

​Việc tưới nước cho cây trồng từ trước đến nay chúng ta thường sử dụng phương pháp tưới tay, tức là trực tiếp cầm ống tưới và kéo đến từng cây đến khi đầy bồn thì chuyển đến cây khác, mỗi ngày tưới được trên diện tích khoảng 0,3-0,4ha, khoảng cách giữa hai lần tưới từ 7-10 ngày, do đó việc tưới cho cây trồng vào mùa nắng nóng hầu như tốn rất nhiều công sức, một số hộ không đủ công tưới nên cây trồng bị giảm năng suất do thiếu nước tưới.
Hiện nay, sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm bằng cách lắp đặt hệ thống ống tưới dẫn nước trực tiếp bằng vòi phun mưa hoặc nhỏ giọt, khi mở nước thì các hệ thống này tự động phun trên diện tích rộng khoảng 0,3-0,4ha, trong 1 ngày có thể tưới cho cây trồng trên diện tích 2-3ha và có thể tưới vào ban đêm.
Thực hiện Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 12/7/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2007-2010, Quyết định số 2419/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 về ban hành Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015. Trên địa bàn thị xã Long Khánh  đã thực hiện Chương trình trên diện tích 161,4ha/163 hộ, nội dung của Chương trình là hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ 30% giá trị phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới cho các hộ tham gia Chương trình trên cây cà phê, tiêu, sầu riêng.
Qua 7 năm triển khai thực hiện thấy Chương trình mang lại nhiều hiệu quả đến người dân như sau:
- Chuyển giao được tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cây trồng chủ lực.
- Hiệu quả tăng năng suất, chất lượng: khi thực hiện Chương trình, cây trồng được tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm, phân bón đầy đủ và giảm sâu bệnh, làm cây tăng khả năng đậu trái, trái to, nên năng suất, chất lượng tăng cao; đối với cây sầu riêng thấy rõ nhất là giảm hiện tượng trái bị sượng do đảm bảo ẩm độ, Cụ thể:
+ Cây cà phê: năng suất tăng từ 20 tạ/ha lên đến 28 tạ/ha, tăng 40% so với trước khi tham gia Chương trình, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/ha.
+ Cây tiêu: năng suất tăng từ 20 tạ/ha lên đến 27 tạ/ha, tăng 35% so với trước khi tham gia Chương trình, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha
+ Cây sầu riêng: năng suất đạt 100,4 tạ/ha, tăng 49% so với trước khi tham gia Chương trình, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha
- Hiệu quả về giảm chi phí sản xuất: giảm chi phí sản xuất trung bình khoảng 12 triệu đồng/năm do giảm các chi phí sau đây:
+ Giảm công lao động kéo ống tưới nước, vì khi tưới tiết kiệm thì chỉ cần vận hành máy bơm (đối với việc giảm công tưới là một thành công rất lớn của Chương trình vì hiện nay thuê công tưới rất khó).
+ Giảm công làm bồn tưới mỗi khi vào đầu mùa tưới.
+ Giảm chi phí nhiên liệu vận hành máy bơm  (điện, dầu tưới) giảm được thời gian tưới vì nước tưới tập trung vào gốc cây, không chảy tràn như tưới thông thường.
+ Đối với những vùng khó khăn về nguồn nước thì có thể tưới nhiều lần và tưới vào ban đêm nên cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng. Việc kết hợp bón phân cho cây trồng qua hệ thống tưới làm giảm công lao động, cây không bị đứt rễ do phải đào đất bón phân nên hạn chế được nấm bệnh tấn công bộ rễ, đồng thời phân được đưa tới tận rễ cây, lượng phân bón giảm 1/3 do cây hấp thu lượng phân qua đường nước cao hơn bón trực tiếp.
- Hiệu quả về giảm sâu bệnh cho cây trồng: Do có sự hướng dẫn và đầu tư thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng cách nên cây trồng giảm sâu bệnh, không làm bồn, không bị ra lá non nhiều đợt, vì khi tưới tràn thời gian giữa hai lần tưới xa nên cây bị sốc nước ra lá non liên tục, khi tưới  tiết kiện lượng nước điều hòa làm cây ổn định sinh trưởng, chỉ ra lá non theo những đợt nhất định nên không bị sâu bệnh tấn công, giảm được công phun thuốc và giảm được sâu bệnh.
Qua các kết quả trên cho thấy Chương trình mang lại hiệu quả giảm chi phí sản xuất, giảm sâu bệnh hại và tăng năng suất cây trồng nên đạt hiệu quả kinh tế rất lớn.
- Việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đã tháo gỡ một phần khó khăn trong khâu sử dụng lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất  và hiệu quả kinh tế nên hiệu ứng của nó lan rộng, hiện nay trên địa bàn thị xã có diện tích lắp đặt  hệ thống tưới là 1.174,9ha, trong đó nông dân tự bỏ vốn lắp đặt hệ thống tưới  trên diện tích 931,9ha trên diện tích cây lâu năm.
Hiện nay sử dụng phổ biến 2 dạng tưới tiết kiệm: tưới phun và tưới nhỏ giọt, tưới phun thích hợp cho các loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt,…cây công nghiệp như cà phê, ca cao,…và sử dụng ở những nơi có nguồn nước dồi dào, tưới nhỏ giọt thích hợp với cây tiêu, hoặc cà phê còn nhỏ,…và sử dụng ở những nơi nguồn nước khan hiếm vì sử dụng lượng nước ít. Giá thành lắp đặt hệ thống tưới tùy thuộc vào chất lượng ống, hệ thống phun, mật độ cây, dao động từ 18-22 triệu đồng/ha. Phương pháp lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm đơn giản, chỉ cần đến vườn tham quan và được hướng dẫn lắp đặt là có thể làm được.
    Trần Thị Lam

 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​