Tổ ấm của nhiều loài linh trưởng

Mỗi cá thể vượn tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một số phận riêng đầy đau thương bởi nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã. Sau chuỗi ngày đầy “bi kịch”, chúng được đưa về Đảo Tiên để những nhân viên nơi đây chăm sóc, điều trị vết thương và tập cho chúng “quen dần” với cuộc sống tự nhiên trong những khu rừng.

​Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên được thành lập từ năm 2008 do tổ chức phi chính phủ Monkey World (Vương quốc Anh) phối hợp với Trường đại học Pingtung (Đài Loan) và Vườn Quốc gia Cát Tiên thành lập. Hiện nay, hơn 30 ha diện tích Đảo Tiên đang được Trung tâm lựa chọn để chăm sóc hàng chục cá thể linh trưởng và giúp các cá thể này đủ khả năng để tái hòa nhập với cuộc sống tự nhiên.
Tại Đảo Tiên, mỗi cá thể vượn đều được đặt những tên gọi riêng, những tên gọi đó cũng chính là “lý lịch” trích ngang của cuộc đời, gắn với những dầu mốc đáng nhớ của chúng.
Dẫn chúng tôi đi thăm Đảo Tiên, anh K’ Thanh Hoài, nhân viên Trung tâm lần lượt giới thiệu cho chúng tôi những tên gọi riêng của từng cá thể vượn tại đây. Hiện tại, Đảo Tiên có 10 chuồng nuôi với 20 cá thể vượn đen má vàng và 1 cá thể vượn đen má trắng. “Tất cả các cá thể vượn khi đến với Đảo Tiên sức khỏe đều rất yếu, nhiều con mang trên mình thương tích rất nặng do trúng đạn và bẫy của thợ săn. Khi mới về Trung tâm, tất cả các cá thể vượn đều rất hoảng sợ với con người”, anh K’ Thanh Hoài cho biết.
Dừng lại ở chuồng nuôi số 2, anh K’ Thanh Hoài cho biết đây là nơi ở của 2 cá thể vượn đen má vàng có tên “Trảng Bom” và “Biên Hòa”, cả 2 đã về với Trung tâm được gần 4 năm nay. Chỉ tay vào “Trảng Bom”, anh Hoài chia sẻ, “sở dĩ nó được đặt tên như vậy là bởi cách đây 3 năm, lực lượng kiểm lâm huyện Trảng Bom trong lần một lần đi tuần tra đã phát hiện một cá thể vượn đen má vàng, một loại động vật nguy cấp quý hiếm đang bị thương nặng bởi một viên đạn hoa cải xuyên vào cánh tay. Mẹ chú cách đó không xa đã chết vì trúng đạn vào ngực, có thể do đám thợ săn  phát hiện có lực lượng kiểm lâm tuần tra nên đã không kịp “nhặt xác” hai mẹ con chú vượn này. Sau khi được sơ cứu, Trảng Bom được đưa về Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên để được chữa trị và đến nay, vết thương đã lành hẳn và chỉ một thời gian ngắn nữa Trảng Bom sẽ được đưa sang khu vực nuôi bán hoang dã để tập làm quen dần với cuộc sống tự nhiên.
Sống cạnh “nhà” với Trảng Bom là chú vượn có tên “Biên Hòa”, khác với “Trảng Bom”, “Biên Hòa” được đưa về Trung tâm sau khi các lực lượng chức năng phát hiện đang được một nhà hàng trên địa bàn thành phố Biên Hòa nuôi nhốt để làm thú cảnh. Theo anh Hoài, “do bị nuôi nhốt để làm cảnh, hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người cộng với việc chăm sóc sơ sài khiến Biên Hòa rất ốm yếu và vô cũng hoảng sợ khi về với Trung tâm”.
“Trảng Bom”, “Biên Hòa” chỉ là 2 trong hơn 20 cá thể vượn đang được chăm sóc, chữa trị tại Trung tâm, mỗi cá thể vượn đều có một số phận riêng. Mỗi cá thể vượn tại đây đều được đặt tên riêng, tên của chúng được lấy từ các địa danh nơi chúng được phát hiện bị nuôi nhốt, vận chuyển hoặc tên các cá nhân có công chăm sóc, ủng hộ vật chất để nuôi dưỡng các cá thể vượn này. Được đưa vê trung tâm từ các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai... điểm chung của chúng khi đến đây là đều bị thương nặng do dính bẫy, dính đạn hoặc bị sốc tâm lý do bị cách ly môi trường sống quá lâu ngày do bị nuôi nhốt, làm cảnh…
Do phần lớn các cá thể vượn khi đến với trung tâm đều rất yếu do bị thương hoặc bị cách ly với môi trường sống tự nhiên lâu ngày do bị nuôi nhốt nên phần lớn chũng đều “quên” mất những kỹ năng sống và sinh tồn tự nhiên. Chính vì vậy, quá trình “rèn” và “dạy” lại cho vượn các kỹ năng sống và sinh tồn phục vụ cho việc tái hòa nhập với cuộc sống tự nhiên về sau là một quá trình đầy gian khổ của những nhân viên tại Trung tâm.
Dẫn chúng tôi tới khu vực nuôi bán hoang dã trên Đảo Tiên, anh Hoài giới thiệu về 2 chú vượn tên “Diện” và “Nicky” đang “tung tăng” chuyền cành trên những ngọn cây cao chót vót. “Để có được thành quả này là cả quá trình gian khổ từ việc phục hồi sức khỏe đến dạy chúng có thể tự mình kiếm được thức ăn trong tự nhiên”, anh Hoài chia sẻ.
Theo anh Hoài, mỗi cá thể vượn khi đến với Trung tâm, việc đầu tiên là chúng sẽ được kiểm tra sức khỏe, các viết thương để kịp thời điều trị sau đó mới đến quá trình nuôi nhốt, phục hồi sức khỏe. Nhiều chú vượn do bị thương nặng, phải đươc chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. “Như Nicky chẳng hạn, được đưa về từ Tây Nguyên khi bị săn bắn rồi trên đường đưa đi tiêu thụ, Nicky được lực lượng kiểm lâm phát hiện, thu giữ rồi đưa về trung tâm. Tại đây, Nicky được đưa đi chữa trị tại Viện Pastuer TP. Hồ Chí Minh, rồi chuyển lên bệnh viện chấn thương chỉnh hình để phẫu thuật ghép xương và lấy mảnh đạn bi trong người”, anh Hoài cho biết.
Để giúp vượn có thể tự mình tìm được thức ăn trong tự nhiên về sau, nguồn thức ăn hằng ngày của vượn đều được các nhân viên của Trung tâm tìm tòi, theo dõi từ các cá thể vượn sống trong tự nhiên rồi lấy giống về trồng tại Trung tâm làm thức ăn hằng ngày. Theo anh Hoài, “việc cho ăn các thức ăn tự nhiên có ý nghĩa rất quan trọng, tập cho thú nhớ lại rừng, nhớ lại tập tục của chúng, để khi thả về rừng chúng cũng có thể tự đi tìm lấy những loại lá và trái cây như bầy đàn của chúng”.
Ngoài ra, để cho vượn không bị quen “hơi người” khiến chúng có thể tự tìm đến với con người sau khi được thả về tự nhiên, khu vực nuôi hồi phục của vượn cũng rất hạn chế người đến gần. “Chỉ có các nhân viên của Trung tâm mới được tiếp xúc trực tiếp với vượn để phục vụ việc chăm sóc. Việc hạn chế người lại gần là nhằm tránh cho vượn quen hơi người dẫn đến việc chúng có thể tự mình tìm đến với con người sau khi được thả về với tự nhiên”, anh Hoài bộc bạch.
Được biết, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên đã trả về rừng tự nhiên thành công gần 40 cá thể linh trưởng quý hiếm. Khi thả về rừng, linh trưởng đều được gắn chíp và có nhân viên kiểm lâm theo dõi trong vòng 2 tháng để xem khả năng hòa nhập đàn và thích ứng với môi trường sống. Nếu những cá thể nào bị đẩy ra khỏi đàn thì kiểm lâm sẽ có phương pháp bắt lại để tìm những khu rừng và đàn khác cho linh trưởng hòa nhập.
Hiện tại, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên đang chăm sóc  21 cá thể vượn đen má vàng và 1 cá thể vượn đen má trắng , 28 cá thể culi và 7 cá thể voọc.
LÊ ĐỨC
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​